Hội chợ đồ gỗ xuất khẩu dời lịch vì lo ngại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp gỗ vẫn cấp tập tìm khách hàng lớn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
"Hơn 70% doanh nghiệp đề nghị dừng hoặc dời ngày tổ chức VIFA Expo năm nay vì số đông khách hàng lớn đã huỷ kế hoạch tham quan", ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) nói. Đơn vị này chưa ấn định ngày tổ chức, chỉ dự kiến vào mùa hè thay vì ngày 11-14/3 như kế hoạch trước đó.
Theo ông Khanh, đặc thù của ngành chế biến gỗ và nội thất là cần không gian, diện tích rộng rãi để trưng bày sản phẩm, phục vụ thói quen thấy tận mắt, sờ tận tay của khách hàng. Việc hoãn hội chợ là xu hướng chung trên thế giới nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ năm nay.
Bù lại, hoạt động sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc đang bị đình trệ khi các nhà máy chưa sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng khiến các khách hàng Mỹ, Australia, Nhật Bản... phải tìm thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp gỗ tại TP HCM và Bình Dương cũng tranh thủ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng khỏi Trung Quốc để tìm khách mới, đẩy nhanh tốc độ sản xuất để bù đắp những đơn hàng truyền thống bị trì hoãn.
"Công nghệ thực tế ảo, 3D có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trong bối cảnh này. Khách có thể xem chi tiết sản phẩm bằng hình ảnh đa chiều, tham quan showroom và nhà máy từ xa. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa linh hoạt hơn mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống", đại diện Hawa nhận định.
Công nhân đang hoàn thiện sản phẩm bàn ghế gỗ trong nhà máy tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Hawa.
Hawa mới đây cùng Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương và Hiệp hội gỗ, thủ công mỹ nghệ Đồng Nai ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn FPT nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp hội viên. Theo đó, FPT sẽ tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu và số hoá hoạt động quản trị văn phòng cho hội viên.
Chia sẻ tại lễ ký kết, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng những sản phẩm tích hợp các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, điện toán đám mây... có thể giúp doanh nghiệp tối ưu bài toán vận hành, cắt giảm 30-70% chi phí.
"Tôi tin sớm thôi, ngành gỗ sẽ có những văn phòng không giấy, nhà máy và công xưởng không giấy khi mọi thứ được vận hành tự động và kiểm soát theo thời gian thực", ông Bình nói.